Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng mầm non 2023, trong đó điều chỉnh thời gian đăng ký nguyện vọng vào ngày 10/7, muộn hơn 5 ngày so với dự kiến trước đó.
Theo đó, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn) từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7, sớm hơn 12 ngày và rút ngắn thời gian đăng ký so với năm ngoái.
Một số mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý như sau:
- Thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17h ngày 15/8.
- Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống trước 17h ngày 8/7.
- Ngày 25/7, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Từ đó, các trường đào tạo ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển (điểm sàn).
- Thí sinh sẽ nhận kết quả (điểm chuẩn) trước ngày 22/8 và xác nhận nhập học đợt một trước 17h ngày 6/9 (muộn hơn so với dự kiến 7 ngày).
Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay chỉ còn 20 ngày, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn so với mốc 17/9 và 30/9 của năm ngoái.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức trong 4 ngày 27, 28, 29 và 30/6, sớm hơn so với năm 2022. Trong đó, ngày 27/6, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Hai ngày thi chính thức là 28 và 29/6. 30/6 là ngày thi dự phòng.
Trước đó, tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – Hướng nghiệp diễn ra ở Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết thời gian công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 là khoảng 17-19/7.
Theo ông Chương, đây là thời gian hợp lý và thuận lợi nhất để học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2023 và các công tác hướng nghiệp.
Ông Chương cho biết đề thi tốt nghiệp THPT 2023 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2022. Thí sinh sẽ làm bài thi các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc tổ hợp môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).
Trong đó, 75% câu hỏi sẽ ở mức độ nhận biết, thông hiểu, các em học kỹ kiến thức cơ bản THPT, đặc biệt là kiến thức lớp 12 là có thể làm tốt. Đây cũng là cơ sở tốt nhất để xét tốt nghiệp.
25% câu hỏi còn lại là vận dụng và vận dụng cao nhằm phân loại học sinh, làm cơ sở xét tuyển đại học.
Ngoài ra, việc đăng ký nguyện vọng năm nay sẽ có điểm mới. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng ký theo ngành mà các em mong muốn, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp môn. Điều chỉnh này sẽ tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.
Theo Zing