Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh năm 2023 sẽ sớm hơn năm trước để thí sinh kịp bắt đầu năm học mới từ tháng 9/2023.
Dự kiến tháng 7 thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, cách thức xét tuyển là, thí sinh đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới.
Trong thời hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sao cho phù hợp và tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2023 các trường phải công bố đề án tuyển sinh và quy chế tuyển sinh riêng của trường. Quy chế tuyển sinh của trường phải cụ thể hóa quy chế tuyển sinh của bộ. Những thông tin này rất cần thiết cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, các trường phải công bố các thông tin này trước 30 ngày khi thí sinh đăng ký xét tuyển.
PGS Nguyễn Thu Thủy cho hay, dự kiến thời gian thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển vào vào tháng 7/2023. Thí sinh cần lưu ý, hiện nay, các trường tổ chức nhiều phương thức xét tuyển khác nhau; trong đó, nhiều trường tổ chức xét tuyển sớm.
Ngoài việc đăng ký trực tiếp tại các trường, sau khi có kết quả xét tuyển, nếu đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh vẫn phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ để lọc ảo.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và các ngành đào tạo giáo viên sau khi có kết quả thi THPT.
Căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của bộ, các trường phải công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng của trường chậm nhất 10 ngày đối với thời hạn đăng ký xét tuyển. Thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin này để xem mình có đủ điều kiện về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay không.
Nếu trúng tuyển, thí sinh còn phải xác nhận nhập học trực tuyến. Thí sinh nào trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trực tuyến các trường có quyền từ chối quyền nhập học của các em. Đối với xét tuyển bổ sung, thí sinh phải thực hiện theo quy định của các trường.
Xét tuyển sớm vẫn phải đợi kết quả lọc ảo cuối cùng
Đến thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông báo nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm. Xét tuyển sớm là sử dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, được các trường đại học thu nhận hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển (trúng tuyển có điều kiện) trước kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm: xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển… Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Nghĩa là, thí sinh tham gia xét tuyển sớm vẫn phải đợi kết quả lọc ảo cuối cùng.
Năm nay, các trường dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Đơn cử như, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành đến 60% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm gồm 40% chỉ tiêu xét học bạ. 20% chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển…
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính dành đến 70% chỉ tiêu xét học bạ, trong đó xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn (30%) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình ba học kỳ (40%).
PGS. TS Vũ Duy Hải – Phó Trưởng phòng Tuyển sinh của ĐH Bách Khoa Hà Nội – cho biết, với phương thức xét tuyển tài năng, dự kiến nhận hồ sơ xét tuyển trước 15/5. Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển như những năm qua. Trong đó, có hai phương thức xét tuyển riêng là xét tuyển tài năng và xét tuyển kết quả thi đánh giá tư duy do đơn vị tổ chức.
(Theo Giáo dục và Thời đại)