Ôn tập thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất ở giai đoạn cao điểm và chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024?
Tại báo Tuổi Trẻ có chia sẻ nội dung hướng dẫn của các thầy, cô giáo sau khi Bộ GD-ĐT ban hành đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Mọi người cùng tham khảo nhé!
Ngữ văn: đặt tác phẩm trong sự so sánh, đối chiếu
Cô Nguyễn Kim Anh – giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) – chia sẻ: Cấu trúc đề thi tham khảo năm 2024 tương tự như năm 2023. Đề thi vẫn có một phần nghị luận văn học, thường là phần chiếm số điểm nhiều nhất trong tổng điểm bài thi. Vì thế, việc ôn tập phần kiến thức về tác phẩm văn học rất quan trọng.
Để hệ thống hóa phần tác phẩm văn học, học sinh có thể lập bảng, vẽ sơ đồ. Trong đó, có nội dung chính về bối cảnh sáng tác, tác giả, mạch nội dung chính của tác phẩm, đặc trưng phong cách, bút pháp được sử dụng trong tác phẩm. Việc lập bảng, sơ đồ ghi nhớ này không chỉ phục vụ cho phần nghị luận văn học mà có thể còn giúp học sinh có điểm ở những ý nhỏ trong phần đọc hiểu khi đề hỏi về thông tin tác giả, tác phẩm.
Từ mạch nội dung chính, học sinh có thể ghi chú những từ khóa quan trọng của tác phẩm để nhớ những tình huống, chi tiết, nội dung mang thông điệp hay dấu ấn phong cách của tác giả. Đây cũng là các dẫn chứng để học sinh trích dẫn vào bài khi đi thi.
Ở mức độ cao hơn, học sinh có thể học cùng lúc với 2-3 tác phẩm có cùng chủ đề. Cách học này giúp học sinh ghi nhớ sâu hơn tác phẩm trên cơ sở tìm ra các điểm giống, khác nhau. Khi thi, học sinh có thể sử dụng chất liệu của các tác phẩm khác nhau để so sánh, hoặc trích dẫn làm rõ thêm nội dung mà đề yêu cầu. Điều này giúp các em có thêm điểm cộng cho bài thi.
“Ví dụ học sinh có thể học bài Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) cùng với Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường) để tìm ra điểm chung và khác biệt trong phong cách hai tác giả, cũng như sự giống, khác nhau ở hai dòng sông trong hai tác phẩm. Hoặc các em có thể học để hiểu về thân phận người phụ nữ trong Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân) …”, cô Kim Anh giải thích.
Theo cô Kim Anh, để ôn tập và làm tốt dạng câu nghị luận xã hội, học sinh nên ghi nhớ các bước làm bài theo dạng “công thức” để có thể làm đủ ý, mạch lạc nhưng không bị quá dài. Có hai dạng nghị luận xã hội thường gặp là nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lý.
Cả hai dạng này đều có năm bước triển khai, có thể ứng với năm ngón tay trên bàn tay để dễ nhớ. Cụ thể gồm các bước: nêu vấn đề, giải thích yêu cầu của đề, phân tích/chứng minh, bình luận và rút ra bài học hay đề xuất giải pháp.
Toán: luyện cả đề tự luận và trắc nghiệm
Thầy Lê Văn Cường, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng căn cứ vào đề thi tham khảo năm nay, học sinh cần học chắc chương trình toán lớp 12 và một số nội dung lớp 11. Trong đó lưu ý phần tổ hợp – xác suất, cấp số cộng – cấp số nhân, nhị thức Newton, khoảng cách, góc… của chương trình toán lớp 11.
Thầy Cường cho rằng ở học kỳ II lớp 12, học sinh cần vừa học vừa chủ động hệ thống kiến thức cơ bản theo các chủ đề/dạng bài. Ở mỗi chủ đề/dạng bài, các em cần rút ra kinh nghiệm trong cách nhận biết, các cách giải khác nhau.
Việc hệ thống lại, ôn tập kỹ từng chủ đề sẽ giúp các em biết những phần mình đã học chắc và phần còn yếu để nhờ thầy cô hướng dẫn thêm hoặc tự mình dành thời gian luyện nhiều hơn. Các em có thể thống kê, ghi chú lại những lỗi từng mắc để tránh lặp lại khi đi thi.
Ở phần luyện đề, các em lưu ý có thể luyện riêng từng dạng bài ở các mức độ khác nhau để thành thạo. Sau đó có thể luyện đề tổng hợp tương ứng với cấu trúc đề thi tham khảo. Việc luyện đề tổng hợp còn giúp học sinh có kinh nghiệm trong phân bố thời gian hợp lý cho bài thi, rèn khả năng tập trung cao trong khoảng thời gian tương ứng với thời gian thi.
Đặc biệt, các em không nên cực đoan chỉ luyện đề trắc nghiệm mà cần luyện tập cả các bài tự luận và trắc nghiệm. Vì những dạng bài tự luận sẽ rèn cho học sinh khả năng tư duy, hiểu sâu bản chất của toán học để tránh những sai sót, nhầm lẫn khi thi. Còn trắc nghiệm thì rèn cho học sinh khả năng phản ứng nhanh, kinh nghiệm tránh những câu gài bẫy gần giống đáp án đúng.
Tiếng Anh: luyện theo chuyên đề
Cô Phùng Thị Hạnh (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng) cho rằng: Khi luyện đề các em có thể làm trọn vẹn một đề tổng hợp để có kinh nghiệm phân bố thời gian hợp lý, rèn khả năng tập trung cao độ. Nhưng cũng có thể tách từng phần nội dung của các đề thi để luyện theo chuyên đề.
Ví dụ, với một câu hỏi về động từ trong đề thi, không chỉ luyện để làm câu hỏi đó mà cần mở rộng ôn tất cả các thì có liên quan tới câu đó.
Sau khi đã ôn tập chắc ở từng phần nội dung theo chuyên đề, có thể quay lại làm các đề tổng hợp để có kinh nghiệm trong phân bố thời gian hợp lý cho từng phần của bài thi, chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước vào phòng thi.
Vật lý: lập bảng so sánh kiến thức
Thầy Trần Văn Huy (Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng học sinh có thể xây dựng đề cương ôn tập sau mỗi bài và rà soát lại nội dung trọng tâm ở phần tổng ôn. Kỹ năng để ghi nhớ chắc kiến thức trọng tâm, theo thầy Huy, là tìm ra những nội dung tương tự hoặc lập bảng so sánh các nội dung kiến thức.
Ví dụ sự tương tự trong giải một số dạng bài ở chương dao động cơ và dòng điện xoay chiều; hay giữa dao động điều hòa và mạch dao động; sóng cơ và sóng điện từ…
Hóa học: bám sát chương trình lớp 12
Thầy Nguyễn Hoàng Lâm (giáo viên hóa học Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) cho rằng học sinh khi ôn thi cứ bám sát chương trình hóa học lớp 12. Trong đề thi các câu hỏi thuộc mức nhận biết, thông hiểu chiếm tới 70-80%, với những câu hỏi này, học sinh ở mức trung bình khá, nắm được kiến thức cơ bản có thể làm tốt. Có thể thấy điều này ở kỳ thi trước, phổ điểm trung bình môn hóa học là 6,75 điểm, mức điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7,5.
Sinh học: liên hệ thực tiễn để nhớ lâu hơn
Cô Nguyễn Phương Thanh (giáo viên sinh học Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) chia sẻ: Để đạt điểm tốt với môn sinh học, học sinh cần có nền tảng kiến thức vững vàng và với mỗi bài học cần có thói quen liên hệ thực tiễn để ghi nhớ sâu hơn kiến thức, hình thành năng lực vận dụng kiến thức vào các vấn đề cuộc sống.
Lịch sử: đặt ra các câu hỏi
Cô Ngô Thị Thành (giáo viên lịch sử, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) tư vấn ghi nhớ nội dung kiến thức cơ bản bằng cách đặt ra các câu hỏi: “Ở dạng này, trong mỗi bài học tương ứng với sự kiện/giai đoạn lịch sử các em có thể tập thói quen đặt câu hỏi.
Ví dụ sự kiện gì đã xảy ra? Sự kiện xảy ra vào thời điểm nào? Sự kiện gắn liền với nhân vật lịch sử, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào? Sự kiện gắn với địa điểm, không gian nào? Và cuối cùng là sự kiện diễn ra như thế nào? Nhớ được các câu hỏi, các em sẽ không bỏ sót nội dung tương ứng với các câu trả lời”.
Giáo dục công dân: ghi chú từ khóa quan trọng
Cô Trương Thị Thanh Vân (giáo viên Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng) cho rằng nhiều học sinh nhầm lẫn giáo dục công dân là môn “học thuộc lòng” là không chính xác. Học về pháp luật, quan trọng là phải hiểu. Hiểu thì mới vận dụng được trong các tình huống cụ thể.
Vì thế khi học, các em cần tìm và ghi chú các từ khóa quan trọng và lưu lại thành chuỗi. Cách học này giúp các em hiểu được bản chất, không bị bỏ sót, bị quên và dễ dàng phân biệt các phương án nhiễu trong đề thi.
Môn địa: rèn kỹ năng khai thác Atlat
Với môn địa lý, cô Triệu Thị Thu Hiền (giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) lưu ý học sinh rèn kỹ năng khai thác Atlat để lấy điểm. Cách rèn luyện tốt nhất là luyện đề ở những phần câu hỏi liên quan tới khai thác Atlat, và rút ra kinh nghiệm trong việc đáp ứng các yêu cầu ở phần thực hành này.