Là một trong những chuyên gia hàng đầu cả nước về các kỹ thuật điều trị ung thư công nghệ cao, TS. BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K tự tin khẳng định chất lượng điều trị ung thư ở Việt Nam hiện nay đang tiệm cận trình độ thế giới. Tuy nhiên, điều mà các bác sĩ chuyên khoa ung bướu như ông cần nhất lại chính là niềm tin từ bệnh nhân vào những người thầy thuốc, vào khoa học.
Trong mỗi mẩu chuyện, mỗi lời sẻ chia của bác sĩ Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Robot, Trưởng khoa ngoại bụng 1, Bệnh viện K về hành trình sát cánh cùng bệnh nhân ung thư dường như luôn có “lửa”. Đó là ngọn lửa của tình yêu nghề đã được nhen nhóm sau nhiều năm công tác và luôn rực cháy; ngọn lửa của niềm đam mê học hỏi, trau dồi để không ngừng hoàn thiện bản thân; ngọn lửa của khát khao cập nhật và làm chủ những công nghệ điều trị ung thư tiên tiến nhất trên thế giới, và tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng: “Giúp bệnh nhân sống lâu nhất có thể, sống tốt nhất có thể và tin rằng ung thư không phải là dấu chấm hết”.
Điều gì đã đưa ông đến với nghề y?
Khi còn là học sinh phổ thông, tôi may mắn thi đậu vào lớp chuyên toán tỉnh. Thời kỳ của chúng tôi lúc bấy giờ, những học sinh chuyên toán tỉnh thường lựa chọn vào các trường kỹ thuật như bách khoa, hàng hải, đây đều là những lĩnh vực rất hấp dẫn thời bấy giờ. Tuy nhiên có một lần mẹ tôi bị ốm đi bệnh viện, trong suốt thời gian 1 tuần bà bị sốt, các bác sĩ đã chẩn đoán và điều trị rất khó khăn. Trong đầu tôi lúc đấy dấy lên một câu hỏi: “Tại sao bác sĩ lại không thể tìm ra sớm bệnh của mẹ tôi?”, bởi lúc đấy tôi nghĩ một cách đơn thuần là bác sĩ sẽ biết được tất cả vấn đề ngay khi bệnh nhân đến khám. Câu hỏi này cứ vấn vương trong đầu và trở thành động lực để tôi thi vào Đại học Y Hà Nội, rồi trở thành bác sĩ như ngày hôm nay.
Vậy việc trở thành một bác sĩ chuyên khoa ung thư có chăng cũng lại là một cơ duyên khác, thưa ông?
Bạn nói đúng! Khi tôi đi học nội trú tại Pháp và được tiếp cận với các kỹ thuật, phương pháp điều trị ung thư ở nước bạn, tôi nhận thấy đó là một thách thức, khó khăn nhưng lại rất là thú vị, và đó là điều hấp dẫn thúc đẩy tôi lựa chọn con đường trở thành bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa ung bướu.
Là bác sĩ trực tiếp điều trị, ông đánh giá như thế nào về thực trạng ung thư tại Việt Nam?
Trước hết, phải nói một cách tổng quan về bức tranh ung thư ở thế giới và Việt Nam, theo số liệu ghi nhận của Tổ chức Ung thư Thế giới vào năm 2018, cả thế giới chúng ta có 7 tỷ người, trong đó mỗi năm lại có khoảng 18,1 triệu ca mắc mới ung thư và con số tử vong cũng rất đáng suy ngẫm: 9,1 triệu ca. Đối với Việt Nam chúng ta, với dân số trên 96 triệu dân, mỗi năm ước tính có khoảng 164.671 ca ung thư được chẩn đoán mới và số ca tử vong cũng ước khoảng 114.871 ca. Đây là những con số biết nói đặt ra một gánh nặng đối với ngành y tế nói chung và đặc biệt là các bác sĩ ung thư nói riêng.
Là người đưa nhiều kỹ thuật điều trị ung thư mới vào Việt Nam, trong đó có mổ robot, ông đánh giá như thế nào về chất lượng điều trị ung thư, cũng như khả năng cập nhật những công nghệ điều trị ung thư mới ở Việt Nam?
Chất lượng điều trị ung thư ở Việt Nam những năm gần đây có rất nhiều tiến bộ vượt bậc, với sự quan tâm trực tiếp và liên tục của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế. Lấy ví dụ ở Bệnh viện K hiện nay đã được trang bị rất nhiều phương tiện hiện đại như: hệ thống xạ trị VMAT (Kỹ thuật xạ trị điều biến thể tích cung tròn – PV); phẫu thuật mổ nội soi 3D, phẫu thuật gan bằng dao CUSA và gần đây nhất chúng tôi đang tiến hành và ứng dụng hệ thống phẫu thuật robot Davinci thế thệ Xi, đây là thế hệ đỉnh cao nhất được áp dụng trong điều trị ngoại khoa nói chung và đặc biệt là điều trị ung thư.
Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng, những trang thiết bị này không thể phát huy được tối đa giá trị của nó, khi thiếu đi sự vươn lên không biết mệt mỏi để hoàn thiện về tri thức cũng như tay nghề của đội ngũ y bác sĩ.
Vậy nhân tố con người, mà ở đây chính là các bác sĩ, đã được chuẩn bị, phát triển như thế nào để luôn sẵn sàng đón đầu, làm chủ các công nghệ, kỹ thuật điều trị ung thư tiên tiến không ngừng được cập nhật trên thế giới, thưa ông?
Tôi cũng là một trong những bác sĩ Bệnh viện K được giám đốc rất quan tâm và định hướng phát triển các kỹ thuật mũi nhọn trong điều trị ung thư. Chúng tôi được thầy cử cho đi học ở nước ngoài về các phương pháp điều trị ung thư đặc biệt là về phẫu thuật. Trong ê-kíp của chúng tôi có thể nói các bạn đồng nghiệp đã làm chủ được các kỹ thuật rất cao trong điều trị ngoại khoa, ví dụ như: Kỹ thuật cắt gan lớn dùng dao CUSA; các kỹ thuật cắt tuyến giáp qua nội soi đường miệng và bệnh nhân hoàn toàn không có sẹo; kỹ thuật về cắt tiền liệt tuyến toàn bộ; cắt thận qua nội soi điều trị ung thư; cắt ung thư cổ tử cung qua phẫu thuật nội soi; hệ thống phẫu thuật robot Davinci thế hệ Xi;gần đây là các phẫu thuật về thần kinh sọ não và vi phẫu chúng tôi cũng đã làm chủ và thực hiện rất tốt. Đó là các kỹ thuật điển hình trong bức tranh tổng thể về phát triển kỹ thuật đỉnh cao mũi nhọn trong điều trị ung thư.
Như ông vừa đề cập, hệ thống phẫu thuật robot Davinci thế hệ Xi là thế hệ đỉnh cao nhất được áp dụng trong điều trị ung thư, ông có thể chia sẻ rõ hơn về công nghệ này?
Ở Mỹ, châu Âu tại các trung tâm điều trị ung thư lớn nhất thì người ta cũng mới chỉ trang bị ngang thế hệ robot này. Đối với kỹ thuật đỉnh cao này, nó đòi hỏi kỹ thuật viên phải trau dồi, phải học, phải trải qua khóa huấn luyện, đặc biệt là các bài thi thì mới được cấp chứng chỉ đào tạo phẫu thuật. Nói về tính ưu việt của hệ thống này, Robot sẽ giúp người thầy thuốc có khả năng tiếp cận phẫu thuật ung thư một cách tinh tế nhất, lấy được triệt để nhất các tế bào ung thư, trong khi vẫn bảo tồn được các tổ chức lành, hạn chế tối đa việc chảy máu sau mổ, để bệnh nhân hồi phục nhanh nhất.
Nhân nói về hệ thống phẫu thuật robot, tôi cũng muốn đề cập đến kỹ thuật nội soi 3D trong điều trị ung thư, bởi đây có thể nói là cầu nối giữa phẫu thuật nội soi thông thường và phẫu thuật robot Davinci. Hiểu một cách đơn giản, phẫu thuật 3D giúp phẫu thuật viên nhìn phẫu trường mổ bằng không gian 3 chiều.Nhờ có góc nhìn tỉ mỉ và chính xác, phẫu thuật viên có thể thực hiện động tác phẫu tích tinh tế nhất, từ đó hạn chế mất máu, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và một yếu tố cũng phải nhắc đến chính là giá trị thẩm mỹ cho bệnh nhân ung thư so với mổ thường.
Vậy ngoài những công nghệ mà chúng ta đã cập nhật và làm chủ, còn những công nghệ, phương pháp điều trị ung thư tiên tiến nào mà ông muốn được ứng dụng tại Việt Nam trong tương lai sắp tới?
Trong thời gian gần nhất chúng tôi mong ước đưa vào hệ thống xạ trị proton và Heavy ion, đây là hệ thống xạ trị hiện đại nhất thế giới hiện nay, đưa công nghệ này vào ứng dụng tại Bệnh viện K trong tương lai sắp tới không chỉ là mong ước của tôi mà còn của tập thể bác sĩ Bệnh viện K. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị đích, điều trị miễn dịch, chúng tôi hiện đã áp dụng nhưng mong muốn liên tục được cập nhật các loại thuốc mới nhất của thế giới. Trong nội khoa ung thư, tôi mong muốn trung tâm pha chế thuốc sớm đi vào hoạt động vì sẽ giúp tính toán liều điều trị cho bệnh nhân 1 cách chính xác hơn, ngoài giá trị điều trị ung thư còn có giá trị về kinh tế y tế, giảm chi phí cho bệnh nhân ung thư. GS Thuấn cũng đã giao nhiệm vụ, đặt lên vai khối ngoại khoa chúng tôi ngoài việc tiếp tục phát triển phẫu thuật rô bốt còn phải sớm phát triển và hoàn thiện các kỹ thuật ghép tạng trong điều trị ung thư, giúp bệnh nhân ung thư có thêm cơ hội lựa chọn tiếp cận phẫu thuật đỉnh cao.
Việc cập nhật liên tục các công nghệ mới trong điều trị ung thư quả thật là một điều rất đáng mừng với ngành y tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó liệu ông có còn điều gì trăn trở?
Một trong những điều mà các bác sĩ về ung thư chúng tôi còn trăn trở nhất đó là nhận thức của các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam chúng ta đâu đó vẫn còn chưa rõ, chưa đúng. Lấy ví dụ điển hình như quan niệm điều trị ung thư bằng thuốc nam hoặc bài thuốc dân gian gia truyền mà không được kiểm chứng bằng các cơ sở khoa học đã làm cho bệnh nhân mất đi giai đoạn rất quan trọng ban đầu, vốn là giai đoạn vàng để điều trị ung thư. Chính vì vậy, các bệnh nhân ung thư này khi đến với chúng tôi thường trong tình trạng rất muộn.
Vậy ông có lời khuyên gì với người dân về căn bệnh này?
Sống lành mạnh, chơi thể thao, suy nghĩ tích cực, năng vận động và tránh xa rượu, thuốc lá đó là lời khuyên thường ngày mà các bạn vẫn nghe, vẫn thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đối với ung thư có những nét riêng, khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng,1/3 số ung thư nếu biết cách phòng bệnh có thể không mắc; 1/3 số ung thư còn lại nếu được sàng lọc và phát hiện sớm có thể khỏi hẳn; như vậy chỉ còn 1/3 trường hợp buộc phải điều trị và sống chung với ung thư. Vì thế tôi khuyên ngoài lối sống lành mạnh chúng ta phải có ý thức khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư để có điều kiện được điều trị tốt nhất có thể
Với những người chẳng may đã mắc bệnh ung thư thì các bạn hãy đặt niềm tin vào chúng tôi, vì ngày nay các bác sĩ ung thư đã, đang cố gắng có những phương tiện điều trị ung thư tốt nhất và đã đạt những thành quả rất cao, hơn ai hết bệnh nhân phải có ý thức lạc quan để quyết tâm điều trị, đừng áp dụng những phương pháp điều trị ung thư không chính thống mà để mất đi cơ hội vàng trong điều trị. Chúng tôi đã, đang và sẽ luôn ở bên cạnh các bạn.
Là một bác sĩ chắc hẳn ông thường xuyên trong tình trạng quá tải, vậy bí quyết nào để ông có thể đảm bảo sức khỏe và giữ lửa nhiệt huyệt?
Để đảm bảo sức khỏe cần sống lành mạnh, ăn uống điều độ, chơi thể thao, tập luyện nhưng đối với bác sĩ thì điều này thật là khó bởi công việc, bởi trách nhiệm chúng tôi đang gánh vác. Tuy nhiên với tôi cũng như lời chia sẻ của các đồng nghiệp thì tình yêu nghề nghiệp, khát vọng vươn lên để hoàn thiện về chuyên môn chính là động lực làm cho chúng tôi luôn luôn có sức sống, khát vọng tràn trề để được làm việc.
Đã từng có bệnh nhân nào khiến ông không cầm được nước mắt, khiến ông cảm thấy tiếc nuối, giá như… thì bệnh nhân đã có thể sống?
Nghề y là một nghề rất đặc biệt, nhất là trong chuyên khoa ung thư có những cái đặc biệt hơn rất nhiều, bởi khi bệnh nhân đến điều trị luôn có suy nghĩ cận kề với cái chết. Chuyện nghề của bác sĩ nói chung và bác sĩ ung thư nói riêng luôn có những buồn vui lẫn lộn. Có một kỷ niệm cho đến giờ tôi vẫn rất nhớ và trăn trở, đó là lần tôi khám và điều trị cho một bà mẹ còn tương đối trẻ, mới sinh con được 1 năm. Chị ta có 1 khối ung thư ở sau phúc mạc. Đây là một khối u thần kinh nội tiết có chế tiết một chất gọi là catecholamine, chất này có thể làm tăng huyết áp và biến đổi nhịp tim. Mặc dù bệnh nhân đã được khám, điều trị rất bài bản về mặt nội tiết, chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước mổ nhưng trong quá trình mổ, khối u vẫn tiếp tục tăng tiết những chất đó làm cho huyết áp và mạch biến đổi mạnh.
Trong cuộc mổ, chúng tôi đã thảo luận với bác sĩ gây mê là dùng tất cả những thuốc tốt nhất để kiềm chế nó. Tuy nhiên, kết quả không được tốt và tôi quyết định dừng cuộc mổ. Điều bất ngờ là ngay sau đó các chỉ số về mạch và huyết áp lại trở về bình thường. Lúc này chúng tôi và các bác sĩ gây mê thống nhất là quyết tâm mổ tiếp, vì đây là một người mẹ còn trẻ, kì vọng sống là rất cao để tiếp tục chăm sóc cháu bé. Sau cuộc mổ chúng tôi vẫn cắt được khối u một cách trọn vẹn. Tuy nhiên thật không may là thời kì hậu phẫu, bệnh nhân diễn biến suy tim và dù điều trị rất tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Ca bệnh này khiến tôi buồn mãi đến bây giờ và với suy nghĩ “giá như mình không mổ cắt khối u thì cháu bé có thể có mẹ thêm một thời gian nữa”. Tuy nhiên, nỗi buồn, nỗi trăn trở ấy lại chính là động lực để chúng tôi hoàn thiện hơn nữa về bản thân, để ngày càng tìm ra các phương pháp điều trị tốt hơn, giúp bệnh nhân ung thư giành giật lại cuộc sống và hướng đến mục đích cuối cùng: Bệnh nhân ung thư sống lâu nhất có thể và có một chất lượng sống tốt nhất có thể.
Hãy nói về cuộc sống đằng sau chiếc áo blouse, ông thường làm gì để xả stress?
Với cá nhân tôi, gia đình là quan trọng nhất. Mỗi khi trở về với gia đình, đó là nơi tôi tĩnh tâm, giúp truyền lại cho tôi những khát vọng, nghị lực sau mỗi lần thất bại. Lúc rảnh rỗi, tôi có sở thích xem TV nhất là chương trình Davinci. Davinci là tên của một danh họa đại tài người Ý thời kỳ phục hưng, cái tên này cũng được đặt cho con robot tôi rất say mê theo đuổi, trong chương trình có giới thiệu rất nhiều khám phá mới, đặc biệt là trong lĩnh vực y khoa như: phẫu thuật rô bốt, ghép tạng trong tương lai bằng kỹ thuật 3D, các kỹ thuật điều trị ung thư trong tương lai gần ở cấp độ gen, kỹ thuật thay thế các cơ quan nhân tạo cho bệnh nhân ung thư sau khi đã bị cắt bỏ hoàn toàn…
Nhân cuộc trò chuyện này, ông có điều gì muốn trải lòng về công việc cứu người mà mình đã lựa chọn và cống hiến suốt nhiều năm qua?
Khi tiếp xúc với bệnh nhân ung thư, bạn sẽ đọc được trong mắt người bệnh những thất vọng cũng như những khát vọng. Mong ước của bệnh nhân ung thư đối với thầy thuốc là vô hạn, nhưng trình độ khả năng con người là hữu hạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không ngừng vươn lên hoàn thiện chính bản thân để điều trị ung thư tốt nhất, với một nhãn quan về ung thư học khoa học nhất, áp dụng những nghiên cứu mới nhất, tiên tiến nhất nhằm giúp bệnh nhân ung thư sống tốt nhất, sống dài nhất có thể và có nhiều niềm tin hy vọng hơn nữa để thấy rằng ung thư không phải là dấu chấm hết.
Xin chân thành cảm ơn ông!