Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 hướng tới an toàn, đúng quy chế

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra đúng kế hoạch.

Toàn ngành Giáo dục và các địa phương chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và toàn diện nhằm hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Công tác chuẩn bị đúng kế hoạch

Báo cáo tại giao ban báo chí tuần 3, tháng 6 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khẳng định, kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.

Nhấn mạnh, Kỳ thi diễn ra trên phạm vi toàn quốc và trong một thời điểm; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, có khoảng 250 nghìn người được huy động tham gia phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi được tổ chức với 3 mục đích: Thứ nhất, kỳ thi là một trong những kênh để đánh giá kết quả công tác quản lý, dạy học của giáo dục phổ thông. Thứ hai, xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh trong 12 năm học. Thứ ba, kết quả của kỳ thi là căn cứ để các trường đại học xét tuyển đầu vào. Hiện có tới trên 60% các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng chia sẻ, qua làm việc trực tiếp với 14 địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia cho thấy, các địa phương đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Các tỉnh/thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong Ban Chỉ đạo.

Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT, tuỳ theo điều kiện cụ thể, các địa phương còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi. Các địa phương đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Đặc biệt các địa phương đều quan tâm, chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

Chủ động ứng phó

Nhìn nhận về những khó khăn để chủ động ứng phó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, cần đề phòng những rủi ro bất thường hoặc những việc không có tiền lệ. Muốn vậy, phải làm tốt công tác dự báo, phòng ngừa. Ngoài ra, cần chủ động đề phòng nắng nóng, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất ở miền núi. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công an có những khuyến cáo tới phụ huynh, thí sinh tuyệt đối không mua những thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận trong thi cử.

“Hướng tới kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, chúng tôi quán triệt thực hiện phương châm “4 đúng, 3 không” – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, đồng thời diễn giải, 4 đúng được hiểu là:

Thứ nhất, đúng Quy chế và hướng dẫn thi. Thứ hai là đúng và đủ quy trình. Quy trình tổ chức kỳ thi có bao nhiêu bước thì phải thực hiện tuần tự các bước; không để sơ sẩy ở bất cứ khâu tổ chức nào. Thứ ba là đúng vị trí, chức năng nhiệm vụ. Thứ tư, phải đúng thời điểm để xử lý các tình huống bất thường. Khi gặp tình huống bất thường, dù thời điểm nào cũng phải kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền, không được tự ý xử lý.

Trao đổi về tinh thần “3 không”; Thứ trưởng chia sẻ: Thứ nhất, không lơ là chủ quan. “Chúng tôi quán triệt, kinh nghiệm là quý báu nhưng tất cả vào làm thi với tinh thần đều như mới mẻ. Bởi chỉ một giây, phút chủ quan có khi ảnh hưởng tới cả kỳ thi. Vì vậy, ở bất cứ khâu tổ chức nào, với bất kỳ vị trí, vai trò nào cũng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan” – Thứ trưởng nhấn mạnh. Thứ hai, không được tự ý xử lý các tình huống bất thường. Nếu gặp những tình huống bất thường, cần kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý. Thứ ba, không được căng thẳng và áp lực thái quá.

Để tổ chức kỳ thi đáp ứng yêu cầu mục đích đề ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiến nghị, các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền mục đích ý nghĩa của kỳ thi; đồng thời nhấn mạnh đến Quy chế thi để phụ huynh, giáo viên, học sinh nắm rõ.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để thí sinh không vi phạm Quy chế thi. Đề thi thuộc độ tối mật của quốc gia, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Đây cũng là nội dung cần tập trung tuyên truyền để thí sinh không vi phạm, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, cần tăng cường giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và người dân về các nội dung có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là các ứng dụng trong chuyển đổi số và sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ kỳ thi.

Đồng thời, làm rõ và phân cấp nhiệm vụ, trách nhiệm trong Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn giữa Bộ GD&ĐT, địa phương về kỳ thi. Trong đó, cấp Bộ tập trung ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy, các hướng dẫn cho kỳ thi; ra đề thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi, tập trung công tác ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả cho kỳ thi tạo sự thuận lợi, nhanh, tiện ích cho tất cả thí sinh và nhà trường; cấp tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại địa phương mình.

Thứ trưởng cũng đề nghị, các cơ quan báo chí truyền thông cũng không quá nhấn mạnh về khó khăn của kỳ thi vì điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thi cử của thí sinh và tạo nên sự căng thẳng không cần thiết đối với xã hội. Trong trường hợp có thông tin bất thường liên quan đến kỳ thi, đề nghị các cơ quan báo chí cho kiểm tra thông tin và trao đổi với Ban Chỉ đạo thi qua đường dây nóng bắt đầu hoạt động từ ngày 25/6/2023 trước khi đưa tin.

Theo GD&TĐ