Nhiều người dùng ô xy già (Hydrogen Peroxide, H2O2, H-O-O-H) để rửa, làm sạch các vết thương hở, vì ô xy già sát khuẩn, diệt vi khuẩn rất tốt. Enzyme catalase có trong các loại vi khuẩn sẽ tác dụng với ô xy già để tạo ra nước và ô xy. Phản ứng này sẽ phá vỡ màng tế bào của các loại vi khuẩn, nhờ đó giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, ô xy già còn giúp làm sạch vết thương một cách cơ học bằng cách đẩy các chất bẩn như bụi, đất, máu khô, tổ chức chết… ra ngoài nhờ tạo ra các bọt khí.
Trước đây các bác sĩ thường dùng ô xy già để làm sạch, diệt khuẩn các vết thương hở. Hiện nay, việc này gần như khôngcòn được áp dụng ở các bệnh viện nhưng vẫn có nhiều người làm theo cách cũ. Có hai lý do chính mà ô xy già hiện nay không được dùng để sát khuẩn các vết thương hở nữa. Thứ nhất, khi đổ ô xy già vào vết thương, bệnh nhân sẽ rất đau. Thứ hai, không chỉ trong vi khuẩn, mà hầu hết các tế bào của cơ thể người đều có enzyme catalase, nên ô xy già cũng làm tổn thương các mô lành, diệt các tế bào của cơ thể và làm chậm quá trình phục hồi, vết thương sẽ lâu khỏi và lâu lành hơn.
Ngoài ra, một số vi khuẩn như staphylococci (tụ cầu), tuy cũng có enzyme catalase nhưng chúng có cơ chế bảo vệ riêng nên có thể không bị tiêu diệt bởi ô xy già.
Trường hợp tệ nhất xảy ra khi các bọt khí oxy này xâm nhập vào mạch máu. Ở một tỉ lệ nhất định, những bọt khí này có thể làm tắc nghẽn dòng máu, gây ra đột quỵ, tắc phổi hoặc nhồi máu cơ tim. Năm 1994, một bài báo khoa học đăng trên tạp chí American Journal of Forensic Medicine and Pathology đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do sử dụng oxy già khiến oxy thâm nhập vào máu.
Với những vết thương ngoài da, việc đầu tiên cần làm là cầm máu và sau đó đến gặp bác sĩ. Nếu vết thương không quá nghiêm trọng, chúng ta có thể làm sạch bằng cách rửa với nước và xà phòng. Các bác sĩ đều khuyên không nên tự ý dùng các dung dịch sát khuẩn như: ô xy già, cồn i ốt, cồn… để làm sạch và sát trùng vết thương hở.
Ảnh Wikipedia