Việc mở hiệu thuốc, quầy thuốc là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, khi đó bạn cần đảm bảo đáp ứng các quy định pháp luật một cách nghiêm ngặt. Dưới đây sẽ là một số thông tin mà cần cần lưu ý khi vận hành hiệu thuốc, quầy thuốc.
Điều kiện để mở được hiệu thuốc, quầy thuốc là các bạn phải có bằng tốt nghiệp từ hệ Cao đẳng Dược trở lên và có chứng chỉ hành nghề Dược được Sở Y tế cấp. Ngoài việc phải đáp ứng điều kiện về chuyên môn ra thì Dược sĩ muốn kinh doanh dược cần phải đáp ứng các quy định cơ sở vật chất để vận hành nhà thuốc theo tiêu chuẩn Good Pharmacy Practices (GPP).
Quy định về nhân sự
Đa số trường hợp các hiệu thuốc, quầy thuốc bị phạt là do người chịu trách nhiệm chuyên môn vắng mặt trong thời gian đoàn tiến hành kiểm tra. Dược sĩ cần lưu ý nếu người phụ trách chuyên môn đi vắng dưới 30 ngày, người chịu trách nhiệm chuyên môn hiệu thuốc, quầy thuốc cần phải làm ủy quyền bằng văn bản cho một người có chứng chỉ hành nghề dược phù hợp đang làm việc tại nhà thuốc. Còn các trường hợp trên 30 ngày nhà thuốc cần phải báo cáo với Sở Y tế địa phương. Ngoài ra, Dược sĩ cần phải cập nhật kiến thức chuyên môn về Dược theo quy định.
Quy định về cơ sở vật chất
Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố mà hiệu thuốc, quầy thuốc cần lưu ý đảm bảo khu vực trưng bày thuốc tối thiểu đạt 10m2. Về nhiệt độ, độ ẩm khu vực trưng bày thuốc cần phù hợp với yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc. Điều kiện bảo quản ở nhiệt độ phòng: không vượt quá 30 độ C, độ ẩm không vượt quá mức 75%. Có tủ lạnh hoặc phương tiện bảo quản lạnh phù hợp với các thuốc có yêu cầu bảo quản mát (8-15 độ C), lạnh (2-8 độ C). Dược sĩ cần liên tục cập nhật và kết nối dữ liệu của nhiệt kế tự động ghi để có thể phục vụ cho công tác kiểm tra, thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước.
Quy định về hồ sơ, tài liệu chuyên môn và việc quản lý thuốc
Đối với các hồ sơ, sổ sách và tài liệu chuyên môn, nhà thuốc cần lưu ý lưu trữ cẩn thận và chuẩn bị các loại hồ sơ liên quan tới thuốc như hóa đơn, sổ sách hoặc máy tính để quản lý việc nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và các thông tin khác có liên quan hay chứng chỉ hành nghề dược, giấy phép kinh doanh và chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Hiệu thuốc, quầy thuốc cần chú ý tới việc nguồn gốc xuất xứ của thuốc bảo quản thuốc, hạn sử dụng thuốc.
Dược sĩ cần liên tục cập nhật danh sách thuốc bị thu hồi, thuốc không được kinh doanh từ các cơ quan có thẩm quyền đã công bố để kịp thời điều chỉnh việc kinh doanh các loại thuốc đang được bán theo đúng quy định, tránh tình trạng vô ý bán thuốc kém chất lượng hay thuốc bị cấm kinh doanh.
Việc niêm yết giá thuốc tại cơ sở cần được chủ nhà thuốc thực hiện một cách triệt để, đảm bảo tính minh bạch trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.