Dịch sốt xuất huyết và những lưu ý (Phần 1)

Sốt xuất huyết Là Gì? Phân loại sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Bởi đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.

Khi chúng ta nắm rõ về sốt xuất huyết, các dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân gây ra bệnh, cách chẩn đoán và biện pháp phòng ngừa dịch sốt xuất huyết… sẽ giúp bạn và gia đình phòng bệnh tốt hơn. Trước tiên ta cần biết được sốt xuất huyết là gì? Sốt xuất huyết là một bệnh xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do vi rút Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây ra. Loại vi rút này có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.

Người bệnh có thể nhiễm 1 đến 4 chủng vi rút và có khả năng tạo ra miễn dịch với chủng đó suốt đời. Điều này không có nghĩa là người từng bị sốt xuất huyết có khả năng miễn dịch với 3 chủng còn lại. Vì vậy, một người có thể sẽ bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần. Vi rút Dengue lây lan qua người chủ yếu do muỗi cái thuộc giống Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti.

Dịch sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và cao điểm nhất là vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi. Sốt xuất huyết gặp ở cả người lớn và trẻ em, bệnh gây sốt cao, mệt mỏi, đau nhức xương, rối loạn đông máu, xuất huyết, giảm huyết áp đột ngột. Với một số trường hợp có thể bị chuyển biến nặng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi triệu chứng thường xuyên. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời người bệnh có thể trở nặng thậm chí tử vong.

Sốt xuất huyết được chia làm 2 nhóm: Là nhóm sốt xuất huyết thể nhẹ và nhóm sốt xuất huyết thể nặng

  1. Sốt xuất huyết thể nhẹ

Sốt xuất huyết thể nhẹ là khi người bệnh bị nhiễm vi rút Dengue nhưng không bị các biến chứng nặng. Sốt xuất huyết thể nhẹ có thể tự điều trị như 1 bệnh sốt thường tại nhà. Tuy nhiên, khi người bệnh bị sốt xuất huyết ở thể nhẹ vẫn có khả năng chuyển sang thể nặng do chăm sóc sai cách.

  1. Sốt xuất huyết thể nặng

Sốt xuất huyết thể nặng do liên quan đến chảy máu hay rò rỉ huyết tương nghiêm trọng, rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể. Có thể hiểu rằng sốt xuất huyết thể nặng là khi tình trạng bệnh trở nặng gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có 2 mức độ bệnh là sốt xuất huyết thể nhẹ và sốt xuất huyết thể nặng. Tùy vào từng mức độ sẽ có những biểu hiện khác nhau.

  1. Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ

Triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ thường bị nhầm lẫn với các bệnh như sốt, cảm hoặc phát ban đỏ. Các triệu chứng phổ biến nhất của sốt xuất huyết thể nhẹ bao gồm: Sốt kèm đau mắt, nhức đầu, phát ban, đau xương, buồn nôn, đau xương khớp,…  Người bệnh bị sốt xuất huyết sẽ kéo dài các triệu chứng từ 4 – 7 ngày. Nếu sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh được chăm sóc đúng cách có thể khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần kể từ khi sốt.

  1. Triệu chứng sốt xuất huyết thể nặng

Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh sẽ có các triệu chứng của thể nhẹ cộng thêm các triệu chứng dưới đây.

– Xuất hiện các chấm xuất huyết ngoài da.

– Chảy máu mũi hoặc ở chân răng.

– Nôn ói ra máu hoặc có máu trong phân (do xuất huyết nội tạng).

– Nôn nhiều, đau bụng, chân tay lạnh ẩm.

– Người mệt mỏi li bì, choáng.

Khi người bệnh không may chuyển biến sang sốt xuất huyết thể nặng cần được cấp cứu kịp thời, nếu trễ có thể dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng về sau.

  1. Lưu ý triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có dấu hiệu sốt cao từ ngày thứ 3. Nhiều cha mẹ nhầm với bệnh cảm cúm hay bệnh liên quan đến đường hô hấp, dẫn đến phát hiện bệnh trễ, có thể gây ra các biến chứng nặng.

Còn tiếp…

(Tổng hợp Phương Anh CLB Truyền thông)