SKĐS – Một điểm mới sẽ được áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2023 là cách tính mức điểm ưu tiên có thay đổi so với năm 2022 nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Về cơ bản, công tác tuyển sinh sẽ giữ ổn định như năm 2022.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường các giải pháp, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cơ sở đào tạo, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Trong đó, Bộ sẽ nâng cấp các chức năng của phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, tăng cường tính năng kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm sai sót.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển; yêu cầu không sử dụng những phương thức xét tuyển không phù hợp, ít hiệu quả và gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Tuy nhiên, theo Quy chế , tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, ban hành ngày 6/6/2022, một điểm mới sẽ được áp dụng từ kỳ tuyển sinh năm 2023 là thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 2 năm, là trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học. Cách tính mức điểm ưu tiên có thay đổi so với năm 2022 nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Cụ thể, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định của quy chế.
Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược… thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng. Vì thế, điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển đại học, cao đẳng.
Ngoài ra, việc đăng ký xét tuyển thực hiện sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển qua Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Các em vẫn được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường không hạn chế số lượng; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ. Trong mọi trường hợp, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
Các trường đại học không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ GD&ĐT.
Nguồn: //suckhoedoisong.vn/