Thượng Tá Nguyễn Trọng Thái, báo cáo chuyên đề “Hoạt động sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi tiêu cực, gian lận thi cử và một số phương pháp kiểm tra, nhận biết, xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm. |
Những nội dung này được Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó trưởng phòng, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, Bộ Công an chia sẻ tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ngày 29/5, tại Hà Nội.
Nhiều thiết bị tinh vi
Thượng tá Nguyễn Trọng Thái cho biết: Gian lận, tiêu cực sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ không chỉ diễn ra với thí sinh mà còn với cả giáo viên và phụ huynh.
Với thí sinh, hành vi sử dụng thiết bị để gian lận trong phòng thi được thực hiện bởi thiết bị điện tử tinh vi, siêu nhỏ; có thể liên kết với các thiết bị có gắn sim điện thoại để hỗ trợ cho việc gọi, nghe lời giải từ bên ngoài đưa vào.
Đặc điểm chung, thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận thi cử thường có hình dạng bên ngoài giống các đồ vật thông dụng, được thiết kế nhỏ gọn, gắn với các đồ vật thông dụng đó. Để thực hiện hành vi gian lận, thiết bị có 2 thành phần chính: thành phần trong phòng thi (gắn với thí sinh), thành phần ngoài phòng thi (gắn ở bất kỳ địa điểm nào với đối tượng bên ngoài).
Trong phòng thi, thiết bị sử dụng để gian lận đi kèm thí sinh có 2 bộ phận, gồm: tai nghe và thiết bị thu phát. Theo đó, tai nghe phổ biến là dạng siêu nhỏ, chỉ bằng hạt ngô, hạt đậu đút vào trong lỗ tai, sử dụng kết nối không dây đến bộ thu phát. Thí sinh sẽ thực hiện gắn tai nghe vào tai trước khi vào phòng thi, vì rất nhỏ nên giám thị khó nhận biết.
Thiết bị thu phát phổ biến được ngụy trang dưới đồ vật thông dụng, như thẻ ATM, bút viết, đồng hồ, kính mắt, dây thắt lưng; máy tính cầm tay cũng có thể được ngụy trang… Thiết bị này được gắn thẻ sim điện thoại, 3G, 4G; hoạt động theo nguyên lý của máy điện thoại, hoặc nguyên lý thu phát sóng wifi, bluetooth, hay giao tiếp trường gần.
Hiện trong các điện thoại thông minh có liên kết trường gần NFC. Đây là công nghệ truyền dữ liệu không dây 2 chiều; không phụ thuộc vào sóng wifi, 3G, 4G. Quy chế thi yêu cầu đồ vật, cặp sách của thí sinh phải cách phòng thi 25m cũng là để ngăn ngừa các liên kết này.
Thiết bị hoạt động theo nguyên lý thu phát sóng vô tuyến, hình ảnh, âm thanh, tin nhắn, file dữ liệu qua lại trong và ngoài phòng thi. Thông tin được chuyển đến đối tượng giải đề thi và truyền ngược lại cho thí sinh.
Trong những năm gần đây, giao tiếp qua trường gần có kính thông minh, nhìn bên ngoài như là một kính mắt bình thường; nhưng chiều ngược lại, thí sinh nhìn lại là một màn hình ảo. Từ gọng kính có phím để điều chỉnh qua lại các hình ảnh dữ liệu. Giao tiếp trường gần cũng được phát triển tích hợp vào vòng, nhẫn đeo tay, liên kết được với điện thoại di động, tai nghe, có thể lấy bàn tay làm màn hình…
Phương pháp nhận biết
Thượng Tá Nguyễn Trọng Thái đưa ra 6 phương pháp để có thể áp dụng tùy theo điều kiện cụ thể.
Theo đó, phương pháp đầu tiên là sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm soát, ngăn chặn. Đây là phương pháp tối ưu, tuy nhiên phù hợp với kỳ thi ở phạm vi hẹp, có thể chỉ vài nghìn thí sinh.
Phương pháp thứ 2 là chặn đường truyền của thiết bị gian lận. Phương pháp này cũng đòi hỏi có phương tiện chuyên dụng.
Phương pháp 3, sử dụng phương tiện kỹ thuật để kiểm tra, phát hiện thí sinh trước khi vào phòng thi. Như phương pháp đầu tiên, cách này khó sử dụng với kỳ thi có quy mô lớn như thi tốt nghiệp THPT.
Do đó, khả thi và dễ thực hiện nhất là 3 phương pháp dưới đây:
Thứ nhất: Quan sát đặc điểm của vật dụng mà thí sinh mang vào, kiểm tra để nhận biết dấu hiệu khác với bình thường, qua đó ngăn chặn được hoạt động gian lận. Trước thời gian thi, cán bộ coi thi cần quán triệt kỹ về quy chế, trong đó có những vật dụng được phép mang vào phòng thi.
Cách thức kiểm tra: quan sát kỹ toàn bộ bề mặt của các vật dụng để xác định dấu hiệu bất thường. Ví dụ máy tính cầm tay, ngoài bàn phím màn hình tinh thể, trước mặt sẽ không có bất kỳ một lỗ nào cả, dù rất nhỏ; nếu có lỗ chính là micro để thu âm thanh.
Hoặc với đồng hồ điện tử cần quan sát trạng thái hoạt động của đồng hồ, màn hình cảm ứng, nếu có các biểu tượng về cột sóng vô tuyến (ví dụ như sóng wifi, sóng bluetooth, 3G, 4G… trên màn hình điện tử là dấu hiệu bất thường.
Thứ hai: quan sát biểu hiện tâm lý không bình thường của thí sinh. Vì áp lực tâm lý, thí sinh này luôn luôn thụ động; từ đó phát sinh biểu hiện khác bình thường, như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên. Khi nhận đề, thí sinh có biểu hiện như lẩm nhẩm đọc đề để máy thu; quá trình làm bài không tập trung, thể hiện ở việc trông chờ thông tin từ ngoài đưa vào… Nói chung, có rất nhiều hành vi cán bộ coi thi có thể để ý, nhận biết được.
Thứ 3: Quan sát các hoạt động bất thường của thí sinh, như tay vuốt vào đồng hồ, gọng kính…
Thượng Tá Nguyễn Trọng Thái cho rằng: Cán bộ coi thi tại các phòng thi có vai trò hết sức quan trọng trong phát hiện các thủ đoạn, phương thức sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi gian lận. Do đó, ngoài được tập huấn, việc lựa chọn cán bộ coi thi có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm là hết sức quan trọng.