Bộ GD&ĐT công bố hàng loạt điểm mới trong tuyển sinh năm 2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non năm 2020. Theo đó sẽ có nhiều điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay.

Không giới hạn nguyện vọng

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2020, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường/ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.

Bộ GD&ĐT công bố hàng loạt điểm mới trong tuyển sinh năm 2020

 

Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định Điều 7 của Quy chế và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác trong đợt xét tuyển bổ sung, nếu có.

Quy định điểm sàn với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe

Theo dự thảo quy chế, năm 2020, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học, ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng.

Theo đó, điểm đó điểm sàn xét tuyển của các ngành này phải bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục quy định.

Đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng – hàm – mặt, dược học, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học phải tối thiểu là 8,0 trở lên.

Riêng các ngành: điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất và huấn luyện thể thao tối thiểu là 6,5 trở lên.

Những ngành đào tạo khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với các quy định tại quy chế.

Các trường trung cấp không được đào tạo ngành giáo viên mầm non

Cũng theo dự thảo quy chế tuyển sinh lần này, Bộ Giáo dục chỉ quy định áp dụng về tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Như vậy, chính thức từ năm 2020, ngành học mầm non dừng tuyển sinh hệ trung cấp.

Thực hiện việc này để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Trong đó, Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học và THCS là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.

Có thêm quy định về các loại hình đào tạo khác

So với Quy chế tuyển sinh 2019, dự thảo quy chế năm 2020 có thêm một chương quy định về tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, theo đặt hàng và liên thông, với nhiều điều kiện.

Theo đó, người dự tuyển đào tạo cấp bằng đại học thứ hai là người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Riêng các ngành khối sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khoẻ hoặc khối ngành tự nhiên.

Còn người dự tuyển đào tạo cấp bằng cao đẳng thứ hai ngành Giáo dục mầm non là người đã có bằng tốt nghiệp các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng trở lên.

Đối với hệ bằng hai, hệ liên thông, dự thảo quy chế cũng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm, giáo viên mầm non và nhóm ngành sức khỏe như tuyển sinh đại học chính quy.