Ba lưu ý cho dược sĩ khi mở nhà thuốc mới

Lựa chọn mặt bằng, phương án nhập thuốc và các giải pháp marketing là những lưu ý dành cho các dược sĩ khi bắt đầu kinh doanh nhà thuốc mới.

Theo báo cáo của Hãng nghiên cứu thị trường BMI, thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam có tới hơn 50.000 nhà thuốc, hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỉ USD năm 2021 lên 16,1 tỉ USD vào năm 2026.

Tuy nhiên, các nhà thuốc nhỏ lẻ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các chuỗi nhà thuốc lớn. Việc tối ưu hóa và nắm rõ các kiến thức kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ giúp nhà thuốc tăng tính cạnh tranh.

Phân bổ chi phí hợp lý

Việc phân bổ chi phí kinh doanh hợp lý trong quá trình mở mới và vận hành nhà thuốc sẽ giúp cho dược sĩ tận dụng tối đa số vốn hiện có để mang lại hiệu suất kinh doanh tốt nhất.

Chia sẻ về chủ đề này tại Hội thảo cập nhật kiến thức chuyên môn trong hành nghề dược Nam Định, dược sĩ Phạm Thùy Thu Hà, thuộc chuỗi nhà thuốc ở TP.HCM, cho biết: ‘Dược sĩ nên dành 40% chi phí vốn của mình cho các hạng mục như giấy tờ, hồ sơ pháp lý, mặt bằng và cơ sở vật chất của nhà thuốc, 60% cho thuốc thực phẩm chức năng và các mặt hàng khác; trong đó 50% sẽ dành cho thuốc và 10% là các mặt hàng thực phẩm chức năng’.

Ngoài ra, về tiêu chí thuê mặt bằng, dược sĩ Hà chia sẻ nên chọn theo các tiêu chí vị trí mặt bằng, giá thuê và diện tích mặt bằng. Dược sĩ nên ưu tiên chọn nhà thuốc ở vị trí dễ tiếp cận, việc chọn mặt bằng tại các vị trí thuận tiện, đông dân cư cũng sẽ giúp dược sĩ tối ưu được chi phí marketing sau này.

Tối ưu hóa việc nhập hàng

Việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm là một trong những yếu tố mà dược sĩ không thể bỏ qua khi có ý định kinh doanh nhà thuốc.

Theo dược sĩ Hà, trong giai đoạn đầu khi mới kinh doanh, chủ nhà thuốc nên tránh nhập quá nhiều một loại thuốc ‘Ban đầu khi mới kinh doanh, chủ nhà thuốc nên ưu tiên việc đa dạng hóa các sản phẩm tại nhà thuốc. Sau từ 6 tháng – 1 năm, khi đã hiểu được khách hàng và tính chất của khu vực, người kinh doanh có thể tập trung vào mặt hàng mà khu vực mình bán mạnh’.

Ngoài ra, việc chọn lựa một nguồn nhập hàng uy tín, tối ưu hóa về mặt thời gian và công sức cũng sẽ là một yếu tố quan trọng.

Việc nhập hàng tại các sàn thương mại điện tử về dược như thuocsi.vn sẽ giúp dược sĩ tối ưu hóa thời gian cho việc nhập hàng. Các loại thuốc, dược phẩm trên sàn được phân phối chính hãng, bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ với chứng từ và hóa đơn đầy đủ.

Ngoài ra, nền tảng thương mại điện tử thuocsi.vn hiện đang vận hành các hệ thống kho bãi lớn đạt chuẩn GPP tại ba khu vực miền Bắc, Trung và Nam, nhằm đảm bảo thuốc và dược phẩm giao đến tay nhà thuốc nhanh nhất và được bảo quản trong điều kiện tốt nhất.

Cập nhật kiến thức chuyên môn để tư vấn

Việc liên tục bổ sung và cập nhật kiến thức dược và chứng chỉ CPE không chỉ giúp nhà thuốc duy trì được chuẩn nhà thuốc GPP. Mà còn giúp dược sĩ cập nhật được các kiến thức về dược và các xu hướng mới trong ngành dược.

Chủ nhà thuốc hoặc dược sĩ phụ trách chuyên môn cần lên kế hoạch bổ sung kiến thức chuyên môn về dược (CPE) mỗi ba năm một lần; mỗi buổi cập nhật trung bình 8 giờ. Việc liên tục cập nhật cũng sẽ giúp dược sĩ nắm được quy định và kiến thức mới để kịp thời điều chỉnh.

Ngoài ra, khi tham gia các chương trình, hội thảo cập nhật kiến thức chuyên môn, dược sĩ có thể học hỏi và trao đổi thêm về các kinh nghiệm kinh doanh nhà thuốc cũng như kết nối với các nhà thuốc trong khu vực mình đang hoạt động.